Chiến tranh lạnh Sergey Georgyevich Gorshkov

Sau khi chiến tranh kết thúc, Gorshkov tiếp tục chỉ huy hải đoàn cho đến khi trở thành Tham mưu trưởng Hạm đội Biển Đen vào tháng 11 năm 1948. Ông trở thành chỉ huy hạm đội vào tháng 8 năm 1951 và được thăng cấp Đô đốc vào ngày 3 tháng 8 năm 1953. Sau đó vào tháng 7. Năm 1955, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng tư lệnh thứ nhất Hải quân Liên Xô, và không lâu sau, lãnh đạo Liên Xô, Nikita Khrushchev đã bổ nhiệm ông vào chức vụ Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô vào tháng 1 năm 1956. Với tư cách là Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô, Gorshkov đồng thời giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, nhận quân hàm Đô đốc hạm đội vào ngày 24 tháng 4 năm 1962. Dưới thời Leonid Brezhnev, Gorshkov đã giám sát công cuộc phát triển một lực lượng hải quân khổng lồ, xây dựng một lực lượng lớn tàu nổi và tàu ngầm, tạo ra một sức mạnh hải quân có khả năng thách thức hải quân phương Tây vào cuối thập niên 1970. Chúng bao gồm việc áp dụng vũ khí hạt nhân, được chuyên chở bằng tàu ngầm và máy bay mang tên lửa đạn đạo, cũng như sự phát triển của tàu ngầm hạt nhân và máy bay, trực thăng trên hạm. Để thể hiện sức mạnh quân sự của Liên Xô, Gorshkov đã cử những đội tàu đi những chuyến hành trình dài ngày và thành lập các hải đoàn hoạt động ở Biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, xây dựng một lực lượng hải quân nước xanh hùng mạnh. Ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào ngày 7 tháng 5 năm 1965 và được thăng cấp Đô đốc Hải quân Liên Xô - cấp bậc cao nhất của Hải quân Liên Xô - vào ngày 22 tháng 10 năm 1967.[1] Ông là người thứ 3 và cũng là người cuối cùng thụ phong quân hàm này.

Đô đốc Gorshkov gặp nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Đức Erich Honecker, 1980

Gorshkov một lần nữa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào ngày 21 tháng 12 năm 1982. Ông được điều động sang Đoàn Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng vào tháng 12 năm 1985, một vị trí chuẩn bị nghỉ hưu cho các sĩ quan cao tuổi. Ông qua đời tại Moskva ngày 13 tháng 5 năm 1988 và được chôn cất tại Nghĩa trang Novodevichy.[1]